Thớt, dao, xoong, chảo,… là những vật dụng quen thuộc trong bộ dụng cụ làm việc của bất kỳ một đầu bếp nào. Vậy bộ dụng cụ bếp này còn bao gồm những vật dụng chuyên dụng nào khác? Nếu chưa có nhiều thông tin, hãy để chúng tôi bật mí giúp bạn…
Bạn có biết Bộ dụng cụ làm việc không thể thiếu của một đầu bếp chuyên nghiệp?
Bộ dụng cụ làm việc của Đầu bếp bao gồm danh sách các công cụ dụng cụ cần thiết tham gia vào toàn bộ quá trình chế biến và hoàn thiện món ăn phục vụ thực khách, từ khâu sơ chế, chế biến đến khâu cắt tỉa, trang trí,… Nhằm giúp tạo nên những món ăn mang hương vị tuyệt hảo, các Đầu bếp phải được cung cấp một bộ dụng cụ làm việc chuyên dụng sau đây:
Dụng cụ cắt – thái
– Dao
Dao là dụng cụ làm việc không thể thiếu của người đầu bếp. Tùy vào từng mục đích sử dụng mà đầu bếp sẽ cần đến mỗi loại dao với kích cỡ, kiểu dáng, độ dày mỏng, độ cứng, cân nặng, độ linh hoạt tương ứng khác nhau. Thông thường, một Đầu bếp chuyên nghiệp sẽ cần dùng đến ít nhất 5 loại dao trong công việc của mình, bao gồm: dao cắt tỉa, dao chặt, dao cắt bánh mì, dao thái rau, dao phi lê,…
– Thớt
Tương tự như dao, đầu bếp cũng cần đến ít nhất 2 loại thớt để phục vụ cho công việc của mình. Tùy vào mục đích sử dụng cũng sẽ có những loại thớt tương ứng phù hợp với màu sắc phân biệt riêng. Cụ thể: thớt màu trắng dùng cho việc cắt bánh mì, phô mai; thớt màu xanh lá cây cắt rau, trái cây; thớt màu nâu cắt thịt chín; thớt màu đỏ tươi cắt thịt đỏ; thớt màu vàng cắt gia cầm và thớt màu xanh da trời cắt cá, hải sản;… Tuy nhiên, nếu gian bếp tại nhà hàng bạn đang làm không cung cấp từng loại thớt chuyên dụng như thế, hãy đảm bảo rằng bạn luôn có sự phân định rõ ràng từng loại thớt hiện có, bao gồm thớt dành riêng để cắt thái gia vị như hành, tỏi; thớt chặt thịt các loại và thớt riêng cho thịt chín;…
Dụng cụ nấu nướng
Bao gồm các loại như nồi, niêu, xoong, chảo,… Tùy thuộc vào cách chế biến từng món ăn mà đầu bếp lựa chọn dụng cụ nấu phù hợp với các công dụng tương ứng. Cụ thể:
- Xoong, nồi: dùng để nấu chín thực phẩm trên bếp bằng các phương pháp như luộc, hấp, kho, rim, chần,… được chia làm loại 2 quai, có nắp, không nắp, quánh 1 quai,…
- Chảo: dùng để nấu chín thực phẩm trên bếp bằng các phương pháp như chiên, xào, rán, rang,… gồm chảo chống dính, chảo 1 quai, chảo sâu lòng, chảo chiên trứng, chảo chiên bánh pancake/ crepe,…
- Dụng cụ đun cách thủy: dùng chủ yếu cho các món hấp hay nấu chín thức ăn bằng hơi nước, bao gồm xửng, chõ,…
- Khay nướng các loại: dùng để nướng chín thực phẩm (bánh, thịt) trong lò nướng, như khuôn pate, khuôn bánh ngọt, khuôn nướng rau củ quả, …Ngoài ra còn có vỉ nướng.
Dụng cụ khuấy – trộn – phết – …
Bao gồm muỗng, đũa, vá, vợt, rây, chổi, lược thưa/ dày, cây lật bản lớn/ nhỏ, cây đánh trứng/ phới lồng, cây cán bột, kẹp, muỗng múc kem,… Mỗi loại có chức năng chuyên dụng riêng hỗ trợ công việc nấu nướng của các đầu bếp như: muỗng/ thìa để khuấy súp, gia vị – muỗng lớn trộn bột, trộn rau nộm các loại – phới lồng đánh trứng, trộn dầu giấm, làm sốt, đánh bột,…
Một số dụng cụ thiết yếu khác
- Các loại bếp, máy móc, hệ thống, băng chuyền (nếu có) chuyên dụng như bếp nấu, lò nướng, lò khè, máy cắt thịt, máy cưa xương, máy hút mùi, máy rửa bát, máy xay sinh tố, máy xay rau củ quả, khoang chứa,…
- Các dụng cụ đo lường chuyên dụng như cân đồng hồ, cân điện tử, ca/ muỗng đong chất lỏng, nhiệt kế chuyên dụng,…
- Các loại hũ đựng gia vị (ớt, tiêu, đường, muối, mì chính, nước tương, nước mắm,…)
- Các lọai rổ, rá; chày, cối; găng tay; dụng cụ bào sợi;…
- Dụng cụ mài dao như đá mài dao, cây mài dao,…
- Hộp thuốc sơ cứu chuyên dụng
- …
Trên đây là Bộ dụng cụ làm việc chuyên dụng mà bất kỳ đầu bếp chuyên nghiệp nào cũng cần được trang bị. Việc cung cấp đầy đủ những loại dụng cụ trên giúp đảm bảo công việc chế biến món ăn được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả nhất; các món ăn được sơ chế, chế biến và hoàn thành đúng quy trình, quy định nhất; mang lại sự hài lòng cho khách hàng và thể hiện sự chuyên nghiệp, đẳng cấp của đầu bếp nói riêng và cả nhà hàng nói chung.